Những thiệt hại cho ngành nông nghiệp đối với nạn phân bón giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường là vô cùng lớn. Đây còn là nguyên nhân mang về nhiều hệ lụy lâu dài khó đong đếm vào môi trường đất, nước và không khí. Trên cả nước, mỗi năm có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón giả, nhái và kém chất lượng bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên đứng trước lợi nhuận quá lớn, tình trạng này vẫn diễn ra với hành vi và phương thức hết sức phức tạp. Điều này đặc biệt gây hại trực tiếp đến những người nông dân.
"Ma trận" phân bón giả
Thông tin với báo Dân Việt, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra tổng cộng 1.765 vụ. Trong đó, xử lý 932 vụ, phạt vi phạm hành chính số tiền gần 9,8 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 5,7 tỷ đồng. Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, vi phạm nhiều tại các tỉnh, thành phố như Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Bắc Giang, Đồng Tháp, Gia Lai, Sóc Trăng, Long An,…
Chia sẻ với PV Dân Việt về vấn đề phân bón giả, kém chất lượng lưu hành thời gian qua, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường Thân Đức Công cho biết, trong những năm qua, về cơ bản chế tài xử phạt vi phạm hành chính và hình sự trong lĩnh vực chất lượng nói chung và phân bón nói riêng đã được nâng lên, mức độ răn đe cũng được nâng lên.
Trong đó, các chế tài xử phạt đều dựa trên mức độ vi phạm (trị giá hàng hóa vi phạm, tái phạm,…). Tuy nhiên trên thực tế, vì lợi nhuận các đối tượng vi phạm vẫn bất chấp thực hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Theo đó, vi phạm phổ biến là về chất lượng, cụ thể, phân bón có một hoặc nhiều chỉ tiêu chất lượng không phù hợp so với hồ sơ công bố hoặc ghi trên nhãn. Mặt hàng vi phạm chủ yếu là phân bón vô cơ hỗn hợp NPK, phân bón phức hợp DAP. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón không có dù không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Các cơ sở tạo ra những nhãn mác mập mờ để người tiêu dùng hiểu nhầm là phân bón nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Mỹ..
Cục trưởng Cục Nghiệp vụ vạch rõ "chiêu trò" của chủ cơ sở như đặt hàng từ nước ngoài sản xuất phân NPK (một màu), nhập khẩu về Việt Nam đóng bao thành phân bón NPK có các chỉ tiêu chất lượng cao hơn. Sản xuất phân bón NPK chất lượng thấp hơn mức công bố, đưa ra thị trường chia thành nhiêu lô hàng nhỏ, khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện vi phạm về chất lượng thì mức xử phạt thấp hơn.
Tình trạng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam cũng diễn ra, chủ yếu với các loại phân bón lá. Hành vi khác có thể kể đến là sản xuất, kinh doanh chế phẩm sinh học (không sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng) nhưng hướng dẫn sử dụng như là phân bón sinh học.
Để thu lợi, nhiều cơ sở đăng ký phân bón lưu hành tại Việt Nam là phân DAP, nhưng thực chất là sử dụng hạt phân bón chất lượng thấp hơn, nhuộm màu giống hạt phân DAP để đóng bao giả. "Thực chất, phân bón DAP có công nghệ sản xuất DAP rất cao, chỉ vài doanh nghiệp ở Việt Nam có thể sản xuất được", ông Thân Đức Công cho biết.