DANH MỤC

Hỗ trợ trực tuyến

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0988619391

Năm 2024, thị trường bán lẻ sẽ hồi phục tới đâu?

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho rằng trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu chưa phục hồi hoàn toàn, thị trường bán lẻ nội địa được dự đoán sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho doanh nghiệp.

Năm 2024, thị trường bán lẻ sẽ hồi phục tới đâu?

* Phóng viên: Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua được nhận định đang có nhiều thay đổi. Cụ thể, bức tranh bán lẻ hiện nay khác biệt thế nào so với trước, thưa ông?

- Ông Nguyễn Anh Đức: Năm 2023, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 6.200 tỉ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022. Nhìn chung, lĩnh vực thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ có tăng trưởng nhưng cấu trúc của ngành thương mại có sự thay đổi khi mà bán lẻ truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt hơn bán lẻ hiện đại.

Đến cuối năm 2023, bán lẻ hiện đại quay về mức đóng góp khoảng 24% thị phần bán lẻ sau thời gian duy trì ở mức 16%-18% trong dịch COVID-19.

Trong bán lẻ hiện đại thì thương mại điện tử gia tăng, livestream bán hàng tăng trưởng mạnh và có sự khác biệt rất lớn so với những năm trước. Tuy nhiên, quy mô thương mại điện tử còn nhỏ, thị trường còn manh mún, những đơn vị vận hành trong nước đang dựa trên yếu tố cạnh tranh lẫn nhau… và đóng góp hạn chế trong tăng trưởng chung của lĩnh vực bán lẻ, thương mại dịch vụ.

Khác biệt thứ 2 là cấu trúc hàng hóa của năm 2023 có sự thay đổi rất lớn so với năm 2022. Nhìn lại tỉ trọng của những ngành hàng khác nhau trong cơ cấu hàng hóa trong các siêu thị, đại siêu thị của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lẫn doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), hàng hóa nước ngoài hiện diện khá nhiều, giá cả rất tốt. Đây là một sự cảnh báo về việc gia tăng sức ép cạnh tranh ngay tại "sân nhà" cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước.

Năm 2024, thị trường bán lẻ sẽ hồi phục tới đâu?

Thứ 3, xu hướng năm 2023 là người tiêu dùng không chỉ muốn mua sản phẩm mà muốn kết hợp dịch vụ hoàn hảo hơn. Những hàng hóa khi cung ứng ra thị trường, người tiêu dùng luôn đặt câu hỏi có những dịch vụ gì kèm theo.

Điểm khác biệt thứ 4 cũng không mấy tích cực của thị trường bán lẻ trong nước là lần đầu tiên, niềm tin của người tiêu dùng (CCI) tại Việt Nam rớt xuống mức thấp, Việt Nam là 1 trong những thị trường có CCI thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những yếu tố tác động làm thay đổi thị trường.

* Từ thực tế năm 2023 và diễn biến thị trường Tết Nguyên đán 2024, theo ông, tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ năm 2024 có khả quan không?

- Năm 2024, nền kinh tế thế giới được nhận định sẽ chưa thể phục hồi. Cá nhân tôi dự đoán năm 2024, kinh tế thế giới lẫn Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, bán lẻ cũng không nằm ngoài diễn biến chung đó. Tiêu dùng nội địa được kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Các nhà quản trị, điều hành kinh tế và cả doanh nghiệp đã có những bài học sâu sắc từ tình hình sau dịch COVID-19 và những bài học cụ thể của năm 2023 để vận dụng vào năm 2024.

Để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa, cần thiết phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi. Từ đầu năm 2024 đến nay, quan sát chung trên thị trường có rất nhiều giải pháp từ quản trị nhà nước, quản trị kinh tế, quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ nội địa nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy này đang gặp phải những rào cản. Trong đó, rào cản lớn từ công ăn việc làm, thu nhập của người lao động giảm đã tác động trực tiếp đến bức trang bán lẻ hiện nay.

Ngay cả chuẩn bị cho tết Nguyên đán, đến trước Tết 1 tuần, tăng trưởng của Tết không tập trung vô tăng trưởng tiêu dùng mua sắm Tết mà chủ yếu vào những mặt hàng quà tặng để làm công tác thiện nguyện.

Diễn biến này khiến các nhà sản xuất, kinh doanh, bán lẻ lo lắng về khả năng sau Tết sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng thừa cục bộ đối với một số nhóm hàng hóa. Vì vậy, mùa kinh doanh Tết vừa qua, các doanh nghiệp liên tục theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tăng khuyến mãi giảm giá và các chính sách hậu mãi để kích cầu, đẩy hàng ra thị trường nhiều nhất có thể. Đây cũng là bài học để quý II, quý III có thể tăng trưởng cao hơn.

* Ở góc nhìn của Hiệp hội các nhà bán lẻ, ông có kiến nghị gì để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực bán lẻ một cách bền vững hơn?

- Ngành bán lẻ Việt Nam quy mô khoảng 140 tỉ USD, nếu có những chính sách tích cực, ngành bán lẻ sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được áp dụng đến hết năm nhưng theo các doanh nghiệp trong hiệp hội bán lẻ đánh giá thì chính sách kéo dài quá lâu thì sẽ dẫn đến "lờn", không còn phát huy tác dụng kích cầu.

Vì vậy, cần những giải pháp khác, tác động và hỗ trợ trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giúp họ tồn tại và phát triển. Nhà nước cũng có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường

Mặt khác, những chính sách cần có sự hoạch định, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn để các doanh nghiệp có thể tồn tại. Ngoài ra, cần quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi.

Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Và để làm được những nội dung này, cần bàn tay vĩ mô nhằm cấu trúc lại giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.