DANH MỤC

Hỗ trợ trực tuyến

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0988619391

Hưng Yên triển khai đề án nông nghiệp hữu cơ

Tới năm 2030, tỉnh Hưng Yên có khoảng 1.160ha cây trồng canh tác hữu cơ. Có 125ha nuôi thuỷ sản, 60 lồng cá nước ngọt, 90.000 con gà, lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

Hưng Yên là một trong các địa phương có ngành nông nghiệp phát triển năng động hàng đầu cả nước, nhất là lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh, thâm canh cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết năm 2022, giá trị thu hoạch quân bình/ha canh tác/năm đạt khoảng 230 triệu đồng. Trong đó có rất nhiều mô hình thu hoạch từ 1 - 2 tỷ đồng/ha canh tác.

Để làm giàu nhanh, có không ít nhà nông Hưng Yên đã thuê lại ruộng ở ngoài tỉnh để trồng thâm canh các cây ăn trái, đạt được thu nhập rất cao. Qua đó còn thúc đẩy sản xuất tại các địa phương có ruộng cho thuê, tránh bỏ hoang ruộng. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Hưng Yên luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cấp ngành liên quan, đặc biệt là Bộ NN-PTNT.

Phát huy các thành tựu đạt được, UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”.

Mục tiêu 3 - 3,5% tổng diện tích đất trồng trọt được sản xuất hữu cơ

Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm chủ lực và công bố rộng rãi các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp hữu cơ; tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ của khu vực và thế giới.

Giai đoạn 2022 - 2025, tập trung xác định các khu vực, diện tích đất phù hợp canh tác nông nghiệp hữu cơ; xác định các đối tượng sản xuất phù hợp từng địa bàn, khu vực; nghiên cứu xây dựng được quy trình chuyển hoá đất canh tác hiện có sang đáp ứng được các tiêu chuẩn canh tác hữu cơ.

 

nông nghiệp hữu cơ

Xây dựng ít nhất 10 - 15 mô hình sản xuất hướng hữu cơ hoặc hữu cơ được chứng nhận trên địa bàn tỉnh ứng với các loại sản phẩm thế mạnh (rau, dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, nuôi trồng thuỷ sản, đặc sản) làm hạt nhân; các mô hình bố trí ở những vùng thuận lợi cho xây dựng và mở rộng mô hình.

Nâng cao hiệu quả sản xuất hữu cơ, giá trị sản phẩm trên đơn vị đất canh tác; nuôi trồng thuỷ sản hướng hữu cơ, hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần trở lên so với sản xuất phi hữu cơ.

Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp thành công hướng hữu cơ, hữu cơ theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực đã thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025. Dự kiến đất trồng trọt hữu cơ đạt 3 - 3,5% diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực (rau, đậu các loại, dược liệu, cây ăn quả và lúa). Trong đó, diện tích trồng cây cây ăn quả hữu cơ đạt 2 - 3% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh; diện tích lúa hữu cơ đạt 0,5 - 0,7% tổng diện tích lúa; diện tích rau hữu cơ chiếm 3 - 5% diện tích rau toàn tỉnh; diện tích dược liệu hữu cơ đạt khoảng 40 - 45% diện tích dược liệu toàn tỉnh.

Đàn lợn hướng hữu cơ chiếm 5 - 7% tổng đàn lợn toàn tỉnh. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ bao gồm thịt gia súc, gia cầm.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản hướng hữu cơ và hữu cơ đạt khoảng 3 - 5% diện tích nuôi thuỷ sản toàn tỉnh. 100% sản phẩm hữu cơ được chứng nhận và được sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi. Giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần trở lên so với sản xuất phi hữu cơ.

Hướng mục tiêu 1.100ha cây trồng canh tác hữu cơ đến năm 2030

Kế hoạch năm 2022 - 2025, tiến hành xây dựng quy trình canh tác hữu cơ trên các cây lúa, rau, dược liệu, cây ăn trái; quy trình chăn nuôi lợn, nuôi thả cá nước ngọt hướng hữu cơ đáp ứng quy chuẩn Việt Nam. Đồng thời, xây dựng một số mô hình nông nghiệp hữu cơ trên các cây trồng, vật nuôi nói trên. Đối tượng thực hiện mô hình gồm các HTX, tổ hợp tác và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

trang trại nuôi lợn khép kín

 

Dự kiến tới năm 2030, quy mô các cây trồng được canh tác hữu cơ ở Hưng Yên đạt khoảng 1.160ha (500ha cây ăn quả, 100ha lúa, 270ha rau các loại, 360ha cây dược liệu). Có 125ha nuôi thuỷ sản, 60 lồng cá nước ngọt, 30.000 con lợn và 60.000 con gia cầm được nuôi theo hướng hữu cơ.

Triển khai thí điểm 1 - 3 mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự nhiên. Trong đó tăng cường sử dụng mọi nguồn phân xanh, cải tạo, phục tráng bèo hoa dâu cho nuôi thả trong ruộng lúa, ao hồ để tăng cường nguồn đạm sinh học/thực vật bón cho cây trồng và dùng làm thức ăn thô cho chăn nuôi nói chung. 

Giải pháp để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, kết hợp với phát huy kiến thức cổ truyền, bản địa nhằm giảm phát thải khí nhà kính; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các chế phẩm sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học, nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và các chế phẩm sinh học xử lý môi trường; tăng cường tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ, sẵn có.

Xem : Dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ An Việt

Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Hưng Yên), tỉnh này đang nuôi hơn 35.000 con trâu bò, 580.000 con lợn và 11.000.000 con gia cầm. Khối lượng phân thải ra từ số gia súc này khoảng trên 0,5 triệu tấn mỗi năm. Trong đó có khoảng 15% dùng làm khí biogas, phần phân chuồng còn lại cùng hàng triệu tấn phụ phẩm từ trồng trọt và rất nhiều rác hữu cơ từ sinh hoạt có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ hoặc phân hữu cơ vi sinh.

“Để có đủ 50% nhu cầu phân chuồng chất lượng cao cho canh tác hữu cơ, cần triển khai tận dụng các loại phân sau biogas bằng cách đưa công nghệ tách phân vào các trang trại chăn nuôi. Sau đem phân (đã ép nước) ủ với chế phẩm vi sinh, rồi bón cho cây trồng”, bà Vân phân tích thêm.

Hưng Yên cũng sẽ kết hợp với nhiều giải pháp khác như đảm bảo về cây trồng, vật nuôi trong sản xuất phân hữu cơ; về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi; chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất hướng hữu cơ, hữu cơ; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hoá nông nghiệp...